- Published on
[AWS DVA-C02] #2 - Một vài điều cơ bản về AWS
- Authors
- Name
- Poon Nguyen
AWS là gì?
AWS, viết tắt của Amazon Web Services, là dịch vụ đám mây do Amazon cung cấp. AWS mang đến một loạt các dịch vụ từ tính toán, lưu trữ, cơ sở dữ liệu, AI, IoT, Machine Learning, đến nhiều dịch vụ khác. Ra đời vào năm 2006, AWS nhanh chóng trở thành một trong những nhà cung cấp dịch vụ đám mây hàng đầu thế giới.
Ngoài AWS, còn có những nhà cung cấp dịch vụ đám mây khác như Google Cloud Platform, Microsoft Azure, IBM Cloud, Oracle Cloud, và nhiều nhà cung cấp khác. Tuy nhiên, AWS là một trong những dịch vụ phổ biến và lớn nhất hiện nay.
Khi nào nên sử dụng AWS?
Sức mạnh của điện toán đám mây, đặc biệt là AWS, nằm ở tính sẵn sàng và khả năng mở rộng linh hoạt. Điều này giúp AWS có thể ứng dụng vào nhiều tình huống khác nhau:
- Khi bạn cần triển khai một ứng dụng doanh nghiệp với yêu cầu mở rộng linh hoạt
- Khi bạn cần lưu trữ và phân tích dữ liệu lớn
- Khi phát triển và vận hành các trò chơi điện tử trực tuyến
- Hoặc chỉ đơn giản là lưu trữ một trang web cá nhân, hoặc các ứng dụng phức tạp như AI hay IoT
Tóm lại, nếu bạn đang tìm kiếm một nền tảng ổn định và có khả năng mở rộng cho các dự án liên quan đến điện toán, AWS chính là lựa chọn đáng tin cậy.
Cơ sở hạ tầng toàn cầu của AWS
Một trong những yếu tố nổi bật nhất của AWS chính là cơ sở hạ tầng toàn cầu. Điều này có nghĩa là, thay vì phải tự vận hành các máy chủ vật lý tại địa phương, chỉ cần sử dụng AWS, bạn đã có thể tiếp cận người dùng trên toàn thế giới một cách nhanh chóng, gần như tức thì.
Tìm hiểu thêm về cơ sở hạ tầng toàn cầu của AWS tại đây.
Vùng (AWS Regions)
Vùng (Region) là đơn vị cơ sở hạ tầng lớn nhất của AWS, với nhiều trung tâm dữ liệu (data centers) được phân bố trên khắp thế giới. Tính đến thời điểm hiện tại, AWS có khoảng 108 vùng trên 34 khu vực địa lý toàn cầu. Các vùng được đặt tên theo mã khu vực như ap-southeast-1
, us-east-1
,... giúp dễ dàng nhận diện.
Danh sách các vùng của AWS có thể được tham khảo tại đây.
Hầu hết các dịch vụ của AWS được triển khai theo vùng cụ thể. Điều này có nghĩa là dữ liệu của bạn sẽ chỉ được lưu trữ và phục vụ trong vùng mà bạn đã chọn, ví dụ như ap-southeast-1
. Một số dịch vụ khác có thể hoạt động trên toàn cầu (global-scoped), phục vụ người dùng ở mọi khu vực.
Việc chọn vùng để triển khai ứng dụng trên AWS cần dựa trên một số yếu tố:
- Tuân thủ dữ liệu: Đảm bảo dữ liệu nhạy cảm của bạn không bị lưu trữ ngoài vùng yêu cầu pháp lý. Ví dụ, dữ liệu định danh của công dân Việt Nam cần được lưu trữ tại các trung tâm dữ liệu ở Việt Nam
- Khoảng cách: Chọn vùng gần với đối tượng người dùng để giảm thiểu độ trễ trong truyền tải dữ liệu
- Tính sẵn sàng của dịch vụ: Không phải dịch vụ nào cũng có sẵn ở tất cả các vùng, hãy kiểm tra trước khi triển khai
- Giá cả: Mỗi vùng có mức giá khác nhau cho các dịch vụ, vì vậy việc so sánh giá là điều cần thiết để tối ưu chi phí
Vùng sẵn sàng (Availability Zone)
Bên trong mỗi vùng là các vùng sẵn sàng (Availability Zone - AZ). Mỗi vùng thường có từ 3 đến 6 AZ, được đánh dấu bằng các ký tự như ap-southeast-1a
, ap-southeast-1b
, ap-southeast-1c
. Các AZ được thiết kế để đảm bảo tính sẵn sàng và toàn vẹn của dữ liệu ngay cả khi có sự cố hoặc thiên tai xảy ra.
Mỗi AZ có cơ sở hạ tầng độc lập về điện, mạng và kết nối, nhưng được kết nối với nhau qua băng thông cao và độ trễ thấp để đảm bảo đồng bộ dữ liệu nhanh chóng.
Điểm hiện diện (Points of Presence - Edge Locations)
AWS có gần 500+ điểm hiện diện (Points of Presence - POP) tại hơn 100 thành phố thuộc hơn 50 quốc gia. Điều này cho phép AWS phân phối nội dung và dịch vụ đến người dùng trên toàn cầu một cách nhanh chóng và bảo mật.
Xem thêm danh sách các điểm hiện diện của AWS tại đây.
Tổng kết
- AWS là dịch vụ đám mây hàng đầu của Amazon
- Cơ sở hạ tầng của AWS bao gồm Vùng, Vùng sẵn sàng và các điểm hiện diện, đảm bảo khả năng mở rộng và kết nối hiệu quả đến người dùng cuối
- Một số dịch vụ của AWS có thể phục vụ toàn cầu (global-scoped), hoặc theo vùng cụ thể (region-scoped)
Cảm ơn bạn đã kiên nhẫn đọc bài viết này.
Hãy để lại suy nghĩ của bạn về bài viết này thông qua phần bình luận dưới này nhé!